Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013 By: www.tho.com.vn

Thơ của cảnh sát môi trường

Nhân viên công vụ thường được hình dung như những mẫu người nguyên tắc. Trong ngành an ninh không nhiều người làm thơ, trong ngành cảnh sát càng hiếm người làm thơ hơn. Vì vậy sự xuất hiện của Dương Xuân Linh khiến không ít công chúng thi ca ngạc nhiên.


Sau bốn tập thơ “Lặng thầm”, “Trăng đầy”, “Bóng mình”, “Bóng người”, Dương Xuân Linh tiếp tục cho ra mắt tập thơ có tên gọi “Tình xuân” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Với quân hàm đại tá cộng chức vụ Cục phó Cục Sảnh sát môi trường, ai cũng nghĩ Dương Xuân Linh không dễ gần. Thế nhưng, chỉ cần nói về thơ hoặc về môi trường, thì Dương Xuân Linh sinh động và hoạt bát khác thường. Và chính Dương Xuân Linh cũng viết về hai mối bận tâm của mình, đó là những câu thơ lý giải bản thân gắn bó với nghề cảnh sát môi trường: “Từ dạo ấy trước nguy cơ thảm họa/ Tầng ozon trái đất ấm dần lên/ Băng đang tan lệ ứa tràn mắt bão/ Biển dâng cao xô sóng mặn ngược bờ”.



Dương Xuân Linh tìm đến vần điệu như một sự chia sẻ. Mảnh đất vừa đặt chân qua, bóng dáng vừa chào nhau vội, cũng trở thành cơn cớ chữ trải nghĩa câu buông dòng. Thơ Dương Xuân Linh không mạnh ở tổng thể mà rung cảm ở khoảnh khắc. Ví dụ, bái vọng Thủ đô ngàn năm văn hiến: “Nghe âm vang/ Rêu phong Hà Nội/ Hồ Gươm xanh/ Liễu buông mành rười rượi/ Cụ Rùa móm mém bóng xưa”. Hoặc trước ngã ba Đồng Lộc lịch sử, dẫu thao thức về sự hy sinh: “Mười nấm mồ/ Nhang khói trắng trinh quê” vẫn cồn cào trắc ẩn về sự thanh bình: “Kính cẩn nghiêng mình/ Cầu nguyện núi sông thiêng/ Bia đá chữ vàng đừng khắc tiếp dòng tên”.

Đọc thơ Dương Xuân Linh không khó nhận ra một trái tim hay xao xuyến. Người vừa khuất mặt đã giục giã: “Em lẫn vào hoa gợi tình day dứt quá/ Ai muốn về Đà Lạt và em”, mà người lìa xa cũng day dứt: “Dại khờ chi không dằn lòng đi sớm/ Khi yêu thương chưa kịp vá mảnh hồn”. Luôn thích thú dùng thể thơ truyền thống có niêm luật rõ ràng, Dương Xuân Linh có giọng lục bát mềm mại. Thỉnh thoảng những cặp sáu tám song hành mang lại cho người đọc sự đồng cảm thú vị. Thiên hạ xem chỉ tay để đoán vận mệnh, còn Dương Xuân Linh nắc nỏm: “Thật lòng tin ở tâm linh/ Xem tay để biết giúp mình giữ nhau”. Thiên hạ quay lưng lắm lúc trách móc, còn Dương Xuân Linh bâng khuâng: “Biệt ly nào phải dứt tình/ Em ơi hờ hững lưng chừng mây nghiêng”.

Không quá dụng công vào cách lập ý hoặc lập tứ, thơ Dương Xuân Linh bình dị như những ghi chép nhẹ nhàng cho tháng ngày đang hối hả trôi qua. Nhiều khi chính từng phút giây chân thành lại khiến thơ có vẻ đẹp riêng: “Sóng và em lúc nào cũng vội/ Vỗ bờ rồi sóng lại rời xa/ Dấu chân ai in hằn trên cát/ Chưa kịp hôn bọt sóng trắng òa...”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét